Chùa Cầu – Ngôi chùa linh thiêng giữa lòng Hội An

Đến với phố cổ Hội An, du khách không chỉ cảm thấy thích thú với cảnh sắc, mây trời, sự thân thiện mến khách của con người nơi đây, mà du khách không khỏi trầm trồ khen ngợi trước sự tài tình, độc đáo trong kiến trúc của những ngôi nhà cổ.

Nhưng có lẽ độc và lạ nhất, tạo nên ấn tượng, thu hút đặc biệt với du khách đó chính là kiến trúc của Chùa Cầu Hội An.

Chùa Cầu Hội An

Chầu Chùa được bắc qua một lạch nước ngăn cách giữa 2 tuyến phố Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, và theo một số tài liệu được ghi chép lại rằng, đây là cây cầu được những thương nhân người Nhật xây dựng để thuận tiện cho việc di chuyển qua lại, buôn bán giữ phố người Hoa và phố người Nhật.

Vì trong cầu có am thờ nên người dân nơi đây thường gọi nó với cái tên Chùa Cầu (hay Chùa Cầu Nhật Bản).

Chùa Cầu – Một câu chuyện đẹp về lịch sử

Theo truyền thuyết, cả cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua.

Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán. Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các thần Khỉ và các Thần Chó trên hai đầu cầu để “yểm” con thủy quái đó.

Người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ cũng với mục đích khống chế con Câu Long gây ra động đất. Vì thế, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất được nữa.

Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”. Theo niên đại được ghi ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng vào thời gian này và được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986!

Nét hấp dẫn trong kiến trúc của Chùa Cầu

japanese covered bridge
japanese covered bridge

Do người Nhật xây dựng, nhưng chùa Cầu Hội AN lại mang đậm nét kiến trúc đặc biệt của Việt Nam.

Thứ đặc biệt đầu tiên nằm ở kết cấu của cây cầu. Chùa Cầu dài khoảng 18m và là một cây cầu ngói – tức là cầu được lợp mái ngói âm dương bên trên – một nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Đúng hơn, toàn bộ chùa và cầu đều làm bằng gỗ, được sơn son và trạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo trong kiến trúc Việt – điển hình là rồng, đồng thời điểm xuyết đôi chút phong cách Nhật Bản.

Nhìn từ xa, cây cầu có dáng uốn cong mềm mại, vắt ngang qua sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn). Hai cây cầu có tượng gỗ bằng thú đứng chầu, một đầu là tượng chó (thân hầu), một đầu là tượng khỉ (thiên cẩu). Thân hầu là đại diện cho năm xây dựng còn thiên cẩu đại diện cho năm kết thúc công trình. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa.

Chùa Cầu ở Hội An 

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu khi thăm Hội An thấy chùa Cầu đặc biệt nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa “bạn phương xa đến”. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể được thấy 3 chữ Hán: Lai Viễn Kiều được chạm nổi trên một tấm bảng lớn trước cổng chùa.

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.

chùa cầu hội an

Tổ hợp kiến trúc tín ngưỡng được lợp mái nhiều nét độc đáo hình chữ T này lại gắn nhiều truyền thuyết liên quan đến hoạ phúc của mọi người nên dân gian quen gọi là Chùa Cầu và là biểu tượng giao lưu văn hóa Nhật – Hoa – Việt ở Hội An. Hơn 400 năm nay, Chùa Cầu nổi tiếng linh thiêng vẫn được cư dân bản địa và khách vãn lai thành kính chiêm bái.

Trước đây, Nhật Bản Kiều trong kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất đã chứa đựng dấu ấn của nền văn hoá Phù Tang, mái ngói mềm mại với độ dốc xuống, những cột vuông, nền cầu lát vát hình vòng cung, các hoa văn trang trí hình mặt trời, chiếc quạt xoè… hiện nay đã không còn nữa. Tuy nhiên, Thần Khỉ và Thần Hầu vẫn còn thờ ở hai đầu cầu.

Ở hai bên tường của cổng ra vào ở phía Tây và phía Đông cầu Nhật Bản ban đầu có hai câu đối chữ Hán đắp nổi, nhưng qua năm tháng bị mờ dần để sau cùng bị mất hẳn và người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả phật thủ lớn.

Năm 1990, chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, cầu còn có vai trò khá quan trọng về giao thông.  Đến nay, ngôi chùa dường như đã trở thành tài sản vô giá, chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.

Với kiến trúc đặc biệt và lịch sử gắn liền với phố cổ, khách du lịch trong và ngoài nước tới đây đều không quên ghé thăm và nghe giới thiệu về Chùa Cầu Hội An. Còn với người dân địa phương, Chùa Cầu vừa mang tính linh thiêng vừa là nơi hội họp của xóm làng ngày trước, mong một cuộc sống giao hòa, tương thân tương ái.

Đến với Chùa Cầu, bạn sẽ cảm nhận được những giây phút bình yên nơi Phố Cổ Hội An, sự hiền hòa, cổ kính được thể hiện rõ trên từng đường nét chạm trổ tinh xảo và điêu luyện, tất cả sẽ mang tới cho bạn những cảm xúc khó quên khi đi du lịch Hội An. Chúc các bạn hành trình khám phá Hội an thú vị và  vui vẻ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *